Vai trò của dầu nhớt?
1. Bôi trơn: Dầu nhớt giúp cho piston di chuyển lên xuống một cách nhẹ nhàng, êm ái trong lòng xi-lanh;
2. Làm sạch: Dầu nhớt giúp làm sạch các bộ phận bên trong động cơ;
3. Làm mát: Dầu nhớt giúp phân tán lượng nhiệt sinh ra do ma sát và quá trình đốt nhiên liệu;
4. Bảo vệ: Màng dầu ngăn cản các bề mặt kim loại tiếp xúc trực tiếp với nhau, chống ăn mòn;
5. Làm kín: Khi động cơ vận hành, dầu nhớt đóng vai trò như một lớp đệm mềm bịt kín khe hở giữa piston và xi-lanh để áp suất sinh ra trong quá trình đốt cháy nhiên liệu không bị thất thoát.
6. Chống gỉ: Một lớp dầu mỏng sẽ bao bọc bề mặt của các chi tiết kim loại trong động cơ, hạn chế sự tiếp xúc của với không khí, tránh được hiện tượng oxy hóa, dẫn đến han gỉ.
Làm thế nào để chọn được loại dầu nhớt phù hợp cho xe ô tô của bạn?
Chọn loại dầu nhớt đảm bảo tiêu chuẩn, đối với loại dầu đảm bảo tiêu chuẩn, trên mỗi hộp đựng dầu đều có mác chứng nhận các tiêu chuẩn. Trong đó 2 loại tiêu chuẩn cơ bản nhất là API và SAE.
Tiêu chuẩn API là tiêu chuẩn về chất lượng được quy định bởi Viện nghiên cứu dầu mỏ Mỹ. Các cấp chất lượng dầu nhớt của động cơ xăng được phân thành API SA, SB, SC… đến cấp mới nhất hiện nay là API SN, chữ cái cuối càng đứng sau thì cấp càng cao hơn.
Trong khi đó, dầu nhớt động cơ diesel được phân thành các cấp từ API từ CA cho đến cao nhất là CJ4. Các loại xe hiện nay đòi hỏi các loại dầu nhớt càng cao cấp càng tốt, đảm bảo các chỉ tiêu như bảo vệ động cơ, tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ thiết bị xử lý khí xả, v.v..
Tiêu chuẩn SAE là tiêu chuẩn phân loại dầu theo cấp độ nhớt. Cấp độ nhớt SAE biểu thị cho độ đặc loãng của dầu nhớt như SAE 30, 40, 50. Số càng lớn có nghĩa là nhớt càng đặc và khả năng bôi trơn càng tốt.
Nhưng các loại nhớt đơn cấp này chỉ bảo đảm đạt độ nhớt ở nhiệt độ cao để bôi trơn động cơ. Còn khi nhiệt độ xuống thấp, loại dầu này sẽ bị đặc lại, khó lưu thông đến các bộ phận động cơ và làm xe gặp vấn đề trong việc khởi động.
Để khắc phục tình trạng này, các loại dầu nhớt đa cấp đã được phát triển và đưa vào sử dụng như 5W-30, 10W-30, 15W-40 hay 20W-50, loại dầu này có thể hoạt động tốt cả khi nhiệt độ cao và nhiệt độ thấp.
Độ nhớt của dầu cũng là một yếu tố quyết định loại dầu đó có phù hợp với động cơ ô tô của bạn không. Dầu nhớt càng đặc thì khả năng bôi trơn cũng càng tốt. Tuy nhiên, dầu quá đặc sẽ khó len lỏi vào từng ngóc ngách của động cơ và khó có thể bôi trơn động cơ.
Mặt khác, dầu quá loãng sẽ nhanh chóng bị giảm chất lượng, nhất là trong điều kiện động cơ có nhiệt độ cao. Một khi dầu nhớt bị giảm chất lượng, khả năng bảo vệ và bôi trơn của nó cũng bị giảm đáng kể.
Cấp độ nhớt của dầu chính là cấp độ SAE, được in ở tất cả các hộp đựng dầu. Nếu như bạn đang băn khoăn không biết xe của mình phù hợp với loại dầu có độ nhớt là bao nhiêu, đừng ngần ngại tham khảo hướng dẫn của nhà sản xuất nhé.
Hiểu được các loại dầu nhớt phổ biến
Trên thị trường hiện nay, có 3 loại dầu phổ biến cho động cơ ô tô, mỗi loại dầu lại phù hợp cho một số loại ô tô nhất định, hiểu được các loại dầu phổ biến cũng như các ưu, nhược điểm của chúng sẽ giúp bạn chọn được loại dầu phù hợp cho xe của mình.
- Dầu gốc khoáng: Loại dầu này có khả năng bảo vệ cơ bản cho hầu hết các động cơ. Dầu gốc khoáng không thể bảo vệ tốt cho động cơ ở nhiệt độ thấp và dễ bị hỏng ở nhiệt độ cao. Vì vậy, loại dầu này đòi hỏi bạn phải thay dầu thường xuyên.
- Dầu công nghệ bán tổng hợp: Đây là loại dầu được sử dụng phổ biến nhất hiện nay do có khả năng bảo vệ, chống mài mòn tốt.
- Dầu công nghệ tổng hợp toàn phần: Loại dầu này được đặc chế trong môi trường phòng thí nghiệm, chuyên dành cho động cơ công nghệ cao. Nó hoạt động tốt ở cả nhiệt độ thấp và nhiệt độ cao, hạn chế sự tích tụ của các chất cặn bã và sự mài mòn của các bộ phận trong động cơ. Do vậy, giá thành của dầu công nghệ tổng hợp toàn phần khá cao.
Nhấp vào đây để biết cách chăm sóc xế ô tô toàn diện nhất nhé!
Nguồn: Internet